Tìm kiếm nhanh

30 thg 3, 2018

Lạ lùng cây cho nghìn trái đẹp như chuỗi ngọc trai

Gần một năm nay, tại chùa Bửu Quang (ấp Vàm An, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bỗng xôn xao bởi có một loài cây trổ bông khổng lồ với hàng nghìn trái như chuỗi ngọc nên người dân gọi là cây bạch ngọc trai.

(TNO) Gần một năm nay, tại chùa Bửu Quang (ấp Vàm An, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bỗng xôn xao bởi có một loài cây trổ bông khổng lồ với hàng nghìn trái như chuỗi ngọc nên người dân gọi là cây bạch ngọc trai.

Cây lạ được người dân gọi là cây bạch ngọc trai với hàng ngàn trái trên đọt
Điều kỳ lạ, đây là lần đầu tiên cây cho trái với số lượng hàng nghìn trái bám trên nhiều buồng khác nhau ở ngọn cây. Khi trái hình thành, các tàu lá bắt đầu rụng hết, chỉ còn lại toàn trái là trái. Trái già có hạt với lõi cứng như đá gồm 2 màu trắng - đen, có thể kết thành chuỗi, đẹp như chuỗi ngọc trai.

Sư cô Huệ Phương, giám tự chùa Bửu Quang, cho biết cách đây khoảng 5 tháng, trái lạ này bắt đầu chín rụng. Người dân xung quanh nhặt về chơi, có người hiếu kỳ mang về chà vỏ ra thử xem thì bên trong có màu đen rất đẹp. Tiếp tục dùng giấy nhám chà thì có màu trắng trong. "Sau đó, họ khoan lỗ làm thành vòng chuỗi để đeo. Người này truyền tai cho người kia, thế là họ kéo nhau đến chùa để chờ lượm hạt cây lạ này để làm chuỗi ngọc...", sư cô Huệ Phương cho biết thêm. Không chỉ người dân địa phương đến giành nhau nhặt trái, cả những người dân ở nơi khác cũng kéo đến chùa để nhặt. Mỗi ngày, có từ vài chục người đến cả trăm người kéo tới gây mất an ninh trật tự.

“Thấy sự việc ngày càng phức tạp, tôi đã bàn với những Phật tử thân thiết của chùa mượn 10 giàn giáo của thợ hồ ráp cao lên để hái trái. Tuy nhiên, do quá cao, chỉ có 2 người leo lên tới nhưng cũng không hái được bao nhiêu. Những người lớn tuổi kể, cây này chỉ có trái đúng 1 lần rồi chết. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đốn hạ cây xuống để cho mọi người cùng nhặt làm chuỗi đeo, tránh tình trạng tranh giành đáng tiếc xảy ra”, sư cô nói.

Sư cô Huệ Phương bên một nhánh cây lạ
Ông Thái Bình Quyền (66 tuổi), ngụ cùng địa phương, cho biết: "Tôi cũng có tham gia hái trái cho chùa. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy loại cây lạ đời, trái nhiều như thế này. Không kể số trái mà người dân lượm được, chúng tôi vừa hái vừa nhặt được 13 bao trái tất cả (loại bao đựng khoảng 30 kg)”.

Với hàng trăm người tham gia nhặt trái, ở địa phương cũng đã hình thành gần chục điểm làm vòng ngọc từ loại trái lạ này. Anh Trần Thanh Quang (32 tuổi, nhà ở cạnh chùa) nói: “Tôi trở thành một người thợ làm vòng, kết hạt chuỗi ngọc bất đắc dĩ lúc nào không biết. Gia đình tôi tham gia nhặt, cũng được trên 1.000 trái. Tôi nhận đánh vỏ, chà nhám trái cây lạ này cũng kiếm được rất nhiều tiền. Nếu chà trái bỏ lớp vỏ ngoài đến lớp vỏ đen thì 5.000 đồng/trái, đến lớp vỏ trắng thì tiền công 10.000 đồng/trái. Chỉ 2 - 3 tháng tham gia làm thợ bất đắc dĩ, bản thân tôi thu nhập cũng đã được trên 20 triệu đồng, sắm sửa được rất nhiều đồ đạc trong gia đình".

Anh Trần Thanh Quang trở thành một người thợ bất đắc dĩ


Trái lạ kết thành chuỗi ngọc trông rất đẹp mắt
Theo sư cô Huệ Phương, bà về chùa này đã hơn 10 năm. Thỉnh thoảng, nghe chú Tư Hoa (70 tuổi, nhà gần chùa) kể nguồn gốc cây này được ông xin ở chùa Vạn Cổ (cù lao xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) mang về 4 cây để trồng, nhưng 2 cây đã chết, chỉ còn lại 2 cây. Cách nay 2 năm, có 1 cây đã bị trốc gốc, giờ chỉ còn 1 cây cho trái...

Nhiều người bảo, phải mất từ 60 - 70 năm cây lạ này mới có trái một lần.

Phần đóng góp ý kiến của bạn đọc:

HƯNG ĐIỀN HẬU GIANG
Cây này người dân Quới Thiện-Vũng Liêm gọi là cây buông (cây bối) có nguồn gốc Ấn Độ, thân giống cọ. Thời chống Mỹ có một địa danh khiến cho quân thù hết sức lo sợ đó là “Rừng lá”. Rừng lá chính là rừng buông mọc ken dày từ Xuân Lộc đến quá Tân Minh, bao vòng khu vực xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh ngày nay. Những năm 1970 - 1990, cây buông trong rừng buông chính là nguồn lâm đặc sản nuôi sống người dân La Gi - Hàm Tân.  
Cây buông khi trưởng thành cao trên 10m. Lá to, mép có răng cưa rất sắc, màu đen, những búp lá lớn có thể nặng vài chục ký, dài 3 - 4m. Cây buông có tuổi thọ ngang tuổi người khoảng 60 - 70 năm. Buông chỉ trổ bông một lần, trổ xong là cây chết. Trái buông hình quả trứng dài 4 - 5 cm, rộng 3 - 4 cm, rất độc do vỏ có chứa kali cyanua. Lõi hạt có màu trắng do hái trên cây, hạt rơi xuống đất có lõi màu đen, có khi có vân rất đẹp. Hạt kết làm chuỗi ngọc có mùi trầm hương nhẹ nên rất dễ bị chuột phá hoại.

Cây buông được sử dụng gần như không bỏ phần nào. Lá già dùng lợp nhà, búp lá non tách ra phơi khô, chằm thành tấm làm vách, sau này sử dụng để gia công bao bì, nón mũ, chiếu, mành... xuất khẩu qua các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ). 
Hạ cây cũng do bất đắc dĩ vì trước sau cây cũng chết mà ảnh hưởng đến an ninh trật tự vì các cụ bảo cả đời mới thấy trái một lần, ai cũng muốn mà số lượng thì hạn chế.  
Bạn Chi-Nghệ An đã nhầm với cây đủng đỉnh.

(Bài viết trích từ thanhnien.vn)

Bản đồ

Xem nhiều nhất