Tìm kiếm nhanh

14 thg 11, 2015

Mun sừng --- Niềm tự hào Việt Nam

Trong bài này, em trình kết quả thẩm định gỗ mun sừng và gỗ nhọ nồi. Theo ý kiến cá nhân, đã chơi gỗ quý, việc thẩm định loại gỗ rất quan trọng và là điều tối cần thiết để nâng kiến thức về gỗ. Nếu không có giá trị thẩm định thì cũng phải có chút kiến thức về cách nhận biết tổng quát. Một số các bài viết, theo ý kiến cá nhân, có dạng "cưỡi ngựa xem hoa", có nghĩa là không có kết quả thẩm định, đồng thời "bàn" về gỗ qua mạng ảo không có "chứng", cho nên giá trị học hỏi rất thấp và không đáng tin cậy.

Em có đọc các bài viết về mun sừng hiện nay thì tìm ra 2 bài viết có giá trị: (1) bài viết mang tính cách "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng có giá trị tổng quát và là một trong những bài đầu tiên được viết về loại gỗ này. Thông tin thêm có thể tìm qua link sau:

http://nghethuatdieukhac.com/forum/baiviet/2233-chut-kien-thuc-ve-go-mun-sung.html

được viết bởi bác Lỗ Ban và (2) bài viết có giá trị thẩm định được viết bởi bác Nguyễn Phúc An Khang (NPAK), bài này cá nhân em thấy có giá trị học hỏi. Những bài còn lại phần lớn được lặp lại, "sào nướng" từ bài số (1) và do đó không có giá trị cao. Trong bài viết này, kết quả thẩm định về gỗ mun sừng được trình bày một cách khoa học và khách quan. Về thông tin tổng quát của gỗ mun sừng, mời bạn đọc theo dõi bài viết số (1) bên trên.

Theo trao đổi với nhiều thợ chuyên làm mun sừng, gỗ mun sừng có 2 loại chính:

(1) Loại mun sừng để lâu đen bóng như sừng.

(2) Loại mun sừng để lâu đen bóng như sừng, nhưng đồng thời có chút vân xanh.

Gỗ mun sừng có tom rất nhỏ và hầu như khó phát hiện tom. Từ "sừng" ở đây chỉ độ bóng TỰ NHIÊN của gỗ, lên nước nhìn như sừng. Vì gỗ màu đen/xanh đen, cộng với độ bóng tự nhiên theo thời gian, vì thế có tên "mun sừng". Nếu dịch nôm na thì "mun sừng" là gỗ "sừng đen". Nếu lấy cây đục gõ vào thân gỗ mun sừng nghe chan chát như đụng vào sắt thép cho thấy được độ cứng của loại gỗ này. Có 1 loại nữa cũng gây nhầm lẫn là gỗ nhọ nồi. Loại này vạt ra nó (1) đen chứ không xanh khaki như mun sừng và (2) không quánh lại mà nhìn mủn mủn, xốp xốp. Nhọ nồi làm hàng gỗ mỹ nghệ rất xấu vì gỗ không cho độ bóng tự nhiên khi để lâu mặc dù chất gỗ cũng đen nhưng mủn, rời rạc, bả bả, như "nhọ nồi". Ngoài ra còn có gỗ "mét/méc" loại này lớn như thổi, thân to, nạc thịt, nhưng lõi thì ôi thôi... "be bé" nhìn xong thì "tạm biệt nhé mùa thu"...

Theo thợ thì trên thị trường hiện nay, mun sừng loại (2) có khá nhiều người thích vì nó có chút vân xanh đen. Loại (1) nếu để trong góc nhà có khách vào mà không rành về gỗ, họ tưởng là nhựa đen! Ngoài ra mun sừng còn có cái tên cúng cơm "triều mến" là "than đá" vì tuy mun sừng rất cứng nhưng lại giòn như than đá nên rất khó chế tác. Đặc trưng tiêu biểu là những pho chim hoa, giàn mướp... làm từ mun sừng đòi hỏi trình độ, lòng kiên nhẫn và bản lĩnh của thợ. Tản mạn lạc đề, bàn về chủ đề chim hoa, cá nhân em thấy hoa hồng/phù dung được đa số thợ thể hiện "tan quát" có nghĩa là cánh hoa "nở rất rộng". Thoạt nhìn vào thì trầm trồ, nhưng vì cánh hoa mở rộng sẽ giảm độ khó, do đó, cánh hoa càng khép kín và mỏng chừng nào, độ khó càng tăng lên chừng đó! Điều này đúng cho các loại gỗ khác, nhưng đối với mun sừng thì độ khó sẽ tăng bậc!

Giá cả 2 loại mun sừng kể trên tương đối như nhau, tùy vào sở thích của người chơi. Vấn đề mun sừng ngâm nước cũng có nổi lên gây tranh cãi chứng tỏ mặc dù mun sừng rất được ưa chuộng và quen thuộc trong giới mỹ nghệ VN, thông tin khách quan và khoa học về gỗ mun sừng vẫn còn chưa rõ ràng và hạn chế. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm "nhìn là biết liền" mang tính chủ quan cao... Vì thế, em trình kết quả ngâm vào nước mùn của 2 loại mun sừng và nhọ nồi để tiện so sánh theo dõi một cách khách quan. Đi xa hơn nữa, mùn của 3 loại gỗ được ngâm trong rượu nếp để có thể giám sát phản ứng và học hỏi thêm về đặc tính của các loại gỗ này.

Sau khi chà lấy mùn, mùi sáp của mun sừng rất rất nhẹ đến không mùi, gỗ có màu xanh khaki khi mới nhám xong cho cả 2 loại gỗ, đây là màu đặc trưng của mun sừng. Nhọ nồi nhám xong có chút ánh trắng, tom như mũi kim, thớ gỗ nhìn xảm. Kết quả thí nghiệm được trình bày bên dưới.

Mun sừng ngâm nước


Sau 5 phút:

Mun xanh có mùn khó quyện vào nước hơn mun đen. Trên thành chén của mun xanh thường có nhiều mùn chưa quyện hết vào nước.



Sau 30 phút:

Cả 2 loại cho nước trong.


Sau 24h:

Nước chuyển sang màu vàng lợt. Điều này có thể lý giải vì mun sừng chođộ bóng tự nhiên chứng tỏ gỗ có sáp (wax) phản ứng với nước. Chất sáp này là yếu tố làm cho gỗ mun sừng có độ bóng tự nhiên rất đẹp. Nước vẫn trong nhưng có màu vàng của sáp chứ không phải màu vàng xanh như mùn gỗ hương. Điểm đặc biệt đáng chú ý là trên thành chén có màu nâu đỏ cho 2 loại gỗ mun sừng, rất đặc trưng, dễ nhận biết.


Mun sừng ngâm rượu:


Sau 5 phút:

Cả 2 loại gỗ quyện vào rượu rất nhanh.



Sau 30 phút: tinh dầu/sáp phản ứng gần hết với rượu. Nước vẫn trong.


Sau 24h: tinh dầu phản ứng hết với rượu, cho nước trong veo, mùn của mun sừng chìm xuống đáy chén.

Gỗ nhọ nồi cho vào nước: (nước bên trái, rượu bên phải)


Sau 5 phút: nước cho màu nâu, nhìn thoáng thì giống như mun sừng ngâm nước nên sau 5 phút không thể kết luận có phải là mun sừng hay không?

Sau 30 phút: màu nước chuyển nâu đỏ lợt


Sau 2h: màu nước không đổi nhưng xuất hiện màu nâu đỏ trên thành chén.


Sau 24h: không đổi so với 120 phút đầu


Gỗ nhọ nồi cho vào rượu:


Sau 5 phút: cho màu nâu đặc trưng trên thành chén! Dung dịch có màu xanh lợt như gỗ hương ngâm nước, nhưng lợt hơn nhiều. Vì nhọ nồi không có độ bóng tựnhiên, nên tinh dầu trong gỗ là không đáng kể và có thể kết luận rằng màu của dung dịch là màu phản ứng của mùn gỗ nhọ nồi với rượu. Chú ý là mùn của gỗ nhọnồi thử rượu cho màu và phản ứng rất khác biệt với mun sừng, do đó, đây là cách nhận biết tốt gỗ nhọ nồi để... tránh!

Sau 30 phút: màu rượu chuyển nâu đỏ lợt! Mùn gỗ đã ngừng xủi bọt cho nên sau 30 phút có thể dùng kết quả thử rượu để thẩm định loại gỗ.

Sau 2h: không đổi so với 30 phút đầu

Sau 24h: không đổi so với 120 phút đầu

Qua kết quả bên trên, có thể kết luận khoa học và khách quan như sau:


1. Mun sừng ngâm nước không ra màu đen, nhưng nhìn thật kỹ, màu vàng lợt của dầu bóng trong gỗ hiện ra sau 2h.

2. Mun sừng ngâm nước sau 24h cho 1 vệt màu NÂU ĐỎ trên thành chén.

3. Mun sừng ngâm rượu cho màu vàng lợt của tinh dầu khoảng 30 phút sau khi ngâm. Màu vàng lợt này phản ứng hết với rượu và mất đi sau 24h.

4. Gỗ nhọ nồi cho màu nâu đỏ sau khi ngâm vào rượu hay nước 30 phút. Đây là điểm khác biệt đặc trưng với gỗ mun sừng. Sau 24h, gỗ nhọ nồi cho màu nâu và nâu đỏ trên thành chén cho thấy sau 2h kết quả thẩm định khá chính xác để phân biệt gỗ nhọ nồi và mun sừng vì sau 24h cả 3 loại đều cho màu nâu đỏ trên thành chén.

Kết luận chung: gỗ mun sừng ngâm nước hay rượu đều không đổi màu nước. Gỗ nhọ nồi ngâm nước hay rượu cho màu nâu đỏ, tổng thể, nhìn "dơ" hơn mun sừng ngâm nước/rượu.

(Nội dung được trích lọc từ bài viết của tác giả có nick KHOA (96 ) .
Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ những kiến thức quí báu và có giá trị ứng dụng thực tiễn cao)

Bản đồ

Xem nhiều nhất