Tìm kiếm nhanh

1 thg 11, 2015

Thẩm định gỗ quí

Bài viết là chút tâm huyết cho người mới chơi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao tay nghề và ngẫu hứng cho thú chơi gỗ. Nếu đọc bài này mà các bạn bè chơi gỗ tránh được việc mua lầm chủng loại gỗ thì mục đích chính của bài viết đã đạt được.


Bài viết được sự tư vấn của một số cao nhân lăn lộn với nghề gỗ mỹ nghệ lâu năm và tác giả chân thành cảm ơn sự đóng góp và động viên quý báu này. Mong được sự ủng hộ góp ý về mặt kiến thức cho bài viết hoàn thiện hơn.

Chú thích:


1. Các giả dụ trong bài này là ĐA SỐ và TRUNG BÌNH.

2. "Gỗ trắc/hương/cẩm/sưa" trong bài viết miêu tả chung các nhóm gỗ trắc/hương/cẩm/sưa ở Việt Nam.

3. "Tử đàn" chỉ tử đàn lá nhỏ Ấn Độ.

4. Hình ảnh trong bài viết chỉ mang tính tượng trưng. Để thẩm định các nhóm gỗ, việc quan sát tom gỗ trực tiếp và không qua hình ảnh là cần thiết để có thể đi đến một kết luận đúng.

Các loại gỗ phân định trong bài này gồm: hương, cẩm, trắc, sưa dây, sưa Việt Nam (VN) và tử đàn lá nhỏ Ấn Độ. Để nhận biết một loại gỗ, người chơi dùng mắt, mũi, tay để kiểm nghiệm: vân và thớ gỗ, màu gỗ, tom gỗ, độ nặng tay, mùi. Nhận biết hương và cẩm là bài học vỡ lòng "101" trong giới gỗ mỹ nghệ và hy vọng qua bài viết này sự khác biệt giữa 2 loại gỗ thông dụng này được đậm nét hơn, không cần phải chà ngửi vất vả!

Trong bài này tạm thời không bàn cụ thể vào từng phân loại của nhóm gỗ: trong 1 nhóm gỗ có từng loại gỗ khác nhau theo thổ nhưỡng và từng vùng miền. Ví dụ: gỗ hương phổ biến có thể có 5 loại gồm đỏ, đá, huyết, thông và tím do sinh sống trên những điều kiện sinh thái khác nhau nên cho vân gỗ và màu khác nhau. Nhưng tom và mùi của 5 nhóm gỗ hương là tương đối giống nhau nên khả năng nhận biết 1 nhóm gỗ dựa trên tom và mùi rất quan trọng. Lập luận tương tự với các nhóm gỗ còn lại như cẩm, sưa, trắc, ..., bài viết này chỉ đề cập đến "cẩm, sưa, trắc, ..." như một khái niệm chung cho từng nhóm gỗ để dễ theo dõi và phân tích.

Rất thường xuyên xảy ra các trường hợp như "hương vân sưa", "cẩm vân sưa", "trắc vân sưa", "hương vân cẩm", ..., cho nên dựa theo vân gỗ để nhận biết một lọai gỗ đôi khi có thiếu sót. Tom và mùi của một loại gỗ mang nét đặc trưng và có thể kết hợp dùng để nhận biết các loại gỗ khác nhau một cách chính xác. Vân gỗ có thể dùng để hỗ trợ một cách hiệu quả cho cách nhận biết gỗ căn cứ trên tom và mùi. Đi xa hơn nữa, việc ngâm nước hay thử rượu mùn gỗ cũng có thể thực hiện nếu thời gian cho phép. Ví dụ: gỗ hương ngâm nước cho màu xanh lục hơi lợt. Đây là cách thử rất phổ biến để nhận biết gỗ hương. Vì thế, các loại gỗ khác cũng có thể nhận biết dùng chung một cách thử.

Cũng cần nhấn mạnh rằng trên thị trường có rất nhiều loại gỗ và phân định nhóm gỗ, loại gỗ đôi khi rất vất vả vì không phải tom/vân gỗ lúc nào cũng khác nhau. Cho nên đôi lúc những cách thử khoa học mang tính khách quan cao, chậm mà chắc, vẫn được giới chuyên môn áp dụng triệt để, đặc biệt là khi giao lưu với lô hàng cao tiền. Do đó, để người chơi thấu đáo được các nhóm/loại gỗ, việc làm thí nghiệm khi thời gian cho phép nên được thực hiện.

A. Nhận biết các loại gỗ thông dụng qua quan sát tom gỗ

Tom gỗ giống như "lỗ chân lông" của gỗ tạo điều kiện cho gỗ thở và co giãn khi thời tiết bên ngoài thay đổi nóng, lạnh, khô, ẩm. Thớ gỗ tạo vân gỗ và độ đẹp của gỗ. Gỗ có tom càng mịn thì càng có tỷ trọng nặng, mặt gỗ càng bóng và "lỳ", mùi thơm cũng đậm đặc hơn các loại gỗ có tom thô.

Gỗ Hương:


Tom xen kẽ dài, ngắn và thô, có vài chỗ chạy xéo/cắt ngang thớ gỗ như con loăng quăng, để ý kỹ sẽ thấy! Vân chìm, thỉnh thoảng có vảy/đốm/mảng trắng/vàng trong thớ gỗ. Cũng có trường hợp hương không có đốm/vảy trắng và những phôi gỗ dạng này dùng để giả sưa rất hiệu quả như trong Hình 1a.


Hình 1: Tom gỗ hương có đoạn chạy loăng quoăng.

Hình 1a: Vân gỗ hương không có đốm/vảy trắng trong thớ gỗ. Mặc dù thế,
(1) hương thường có những bệt vàng nhìn "dơ" 
vân gỗ: "bệt" là vảy/đốm nhưng kích thước lớn hơn.
 Điểm này căn cứ vào kinh nghiệm chủ quan; và
 (2) tom hương có chỗ không chạy theo sớ (phải để ý kỹ mới thấy!!!)
 nên có thể dùng để nhận biết hương với sưa.

Hình 1b: Tom gỗ hương với đốm/vảy trắng.

Gỗ Cẩm:


Tom dài/ngắn và mịn hơn hương, tom gỗ chạy dọc thớ gỗ và không bị xéo/nghiêng. Vân nổi vì thớ gỗ có vân "mây" trắng/vàng với mật độ nhiều hơn hương. Độ bóng cũng hơn hương do tom mịn hơn và chạy xuôi thớ gỗ chứ không chạy loăng quăng như tom hương.

Hình 2: Tom gỗ cẩm.

Hình 2a: So sánh vân gỗ của (i) gỗ cẩm không có "vảy" trắng, (ii) cẩm có "vảy" trắng, (iii) hương không có vảy và (iv) hương có vảy trắng. Chú ý là đối với cẩm, "vảy" trắng dài và mịn hơn gỗ hương vì thế tạo "vân mây". "Vảy/đốm/vằn" trắng của gỗ hương diễn tả đúng nghĩa từ "vảy/đốm/vằn": thường ngắn, không mịn, nhìn dáng giống con "loăng quăng"!

Sau các loạt hình chi tiết có thể thấy nguyên nhân tại sao sưa dùng để giả hương trước năm 1999 cho dễ giao lưu ở Việt Nam! Lập luận tương tự, cẩm không có vằn trắng cũng có thể dùng giả sưa rất hiệu quả! Câu truyền miệng "hương cẩm sưa nhìn giống nhau đến 90%" tác giả nghĩ đã được chứng minh trong bài viết này phần nào. Dĩ nhiên còn rất rất nhiều phôi gỗ hương và cẩm nhìn không giống sưa, và còn rất rất nhiều phôi gỗ hương và cẩm nhìn RẤT giống sưa. Hình ảnh trình bày trong bài này mang tính tượng trưng và chứng minh rằng nếu hương/cẩm qua chọn lựa kỹ càng có thể dùng giả sưa rất hiệu quả để đánh lừa người chơi!

Gỗ Trắc:


Tom mịn, thường ngắn hơn và ít thấy tom hơn hương và cẩm. Tom trắc mịn như cẩm, nhưng vì tom ngắn nên nhìn "lỳ" hơn và bóng hơn. Khác với hương và cẩm, trắc ít có vằn/vảy/đốm trắng trong thớ gỗ.

Hình 3: Tom gỗ trắc mịn và ngắn.

Hiện nay trên thị trường có gỗ thanh trà dùng giả trắc đen tương đối hiệu quả nếu không để ý kỹ. Thanh trà có thể cứng hơn trắc, gỗ nặng, tom mịn nhưng dễ bị nứt. Đục thanh trà ra thường không cho độ bóng như trắc. Điều này cho thấy lượng tinh dầu trong gỗ thanh trà không giữ được lâu bằng trắc, gây nứt và làm gỗ không quánh. Gỗ thanh trà sau khi được tẩy và PU lấp tom gỗ rồi giả trắc đen cũng ***khó*** phát hiện! Giá gỗ thanh trà chênh lệch khoảng bằng 1/4-1/5 giá gỗ trắc đen. Nên nếu một bộ bàn ghế trả tiền gỗ trắc mà bị giả/độn gỗ thanh trà thì thiệt hại cũng khá nặng nề!

Hình 3a: Tom gỗ trắc nghệ và trắc đen.

Hình 3b: Tom của 2 mẫu gỗ thanh trà. Chú ý gỗ thanh trà thường bị nứt tâm nhiều.

Hình 3c: Tom gỗ trắc và tom gỗ thanh trà.
Chú ý thớ gỗ thanh trà nhìn hơi bả so với độ quánh và bóng của gỗ trắc.
Tom thanh trà có gân trắng, tom trắc không có gân trắng.

Đôi nét về gỗ trắc đen:


Là gỗ trắc đã được tôi luyện bởi thiên nhiên cho màu đen tuyền, chất gỗ lỳ và quánh. Gỗ trắc đen có tia đỏ, nhìn "hung hung" với màu đỏ ánh kim óng ánh khi phản chiếu đúng góc độ ánh sáng, nếu được bắt dáng chuẩn tạo nên những pho tượng thần sắc. Trắc đen ít xuống màu vì gỗ đã được "đen" tự nhiên, cho nên độ co gĩan nứt nẻ rất hạn chế. Gỗ trắc đen thường có trên thị trường dưới dạng lũa thích hợp cho tượng thế độc bản và độc đáo nếu dáng/thế của pho tượng được chế tác phù hợp.

Sưa dây:


Tom thô giống hương nhưng chạy dọc thớ. Nếu cắt ngang thớ nhìn tom thô như gõ đỏ. Thớ gỗ nhìn không được chặt chẽ cho lắm.

Hình 4: Tom gỗ sưa dây (Lào)


Sưa Việt Nam:


Tom ngắn/dài và ***hơi*** thô nhưng chạy dọc thớ. Tom sưa thô hơn cẩm vì thế sưa cầm nhẹ tay hơn. Gỗ sưa có vân gỗ "sạch" vì không có đốm/vảy vàng/trắng trong thớ gỗ.

Hình 5: Tom gỗ sưa Việt Nam

Gỗ Tử đàn:


Tom mịn có nốt trắng, xoắn, xít, chằng chịt, chỗ dài chỗ ngắn và khá phức tạp, tom chạy dọc thớ gỗ. Mặc dù tom gỗ tử đàn không mịn bằng trắc, nhưng do độ "xoắn" của tom gỗ cao, nên vẫn có tỷ trọng tương đương với trắc. Nhìn kỹ tom tử đàn có những bọc nhỏ trong thớ gỗ chứa tinh dầu dùng nhuộm màu vào thời xa xưa. Gỗ tử đàn khi xuống màu tím than nhìn sang trọng và tom gỗ cũng rất khó phát hiện.

Hình 6: Tom gỗ tử đàn lá nhỏ
Hình 7: So sánh tom gỗ Trắc, Cẩm, Hương, Sưa

Hình 8: So sánh tom gỗ Tử đàn, Cẩm, Hương, Sưa. Màu gỗ hơi bị đỏ do góc ánh sáng.

Qua quan sát kỹ tom gỗ, có thể suy ra phần nào rằng TQ thường chỉ mua gỗ có tom mịn, bóng và vân đẹp như trắc, mun sừng ngoại lệ vì thường bị nứt. Gõ đỏ/cà te tom rất thô, do đó TQ không mua. Cẩm có vân đẹp, tom mịn nhưng không bóng bằng trắc nên nếu đã cất công mua thì mua cái nhất! Sưa VN được chuộng vì cùng một gia đình với sưa Hải Nam nhưng khác thổ nhưỡng. Tử đàn được phong vương mộc có tom mịn, xoắn và bóng nên cũng rất được chuộng.

B. Nếu coi tom gỗ nhận không ra loại gỗ, ta tiến đến quan sát màu.


Màu gỗ: phần này mạn phép không up hình vì chụp điện thoại màu không trung thực lắm! Các màu đề cập dưới đây chỉ là màu tượng trưng và có nhiều trường hợp ngoại lệ.

- Gỗ Hương: nâu/vàng/...

- Gỗ Cẩm: nâu/đen/đỏ/tím bầm/... có chút ánh tím. Cẩm ngâm nước không cho ánh hồng tím đặc trưng giống tử đàn lá nhỏ như trình bày bên dưới.

- Gỗ Trắc: nâu/đỏ/đen/...

Chú ý: hương/cẩm/trắc đôi khi có vân sưa nhưng vân gỗ nhìn hơi bị "dơ": màu vân gỗ có đốm trắng, đường vân gỗ không thẳng nhưng hay bị "zích zác". Cho nên dù màu và vân gỗ có nhìn "giống" sưa, tom và độ "dơ" của vân gỗ có tính quyết định cao cho chủng loại gỗ. Chi tiết "dơ" của vân gỗ tuỳ theo kinh nghiệm và khó diễn đạt bằng lời.

- Sưa dây: thường có màu đỏ tím, đôi lúc có màu giống cẩm.

- Sưa Việt Nam: tím/nâu/đỏ/vàng/... Nhìn chung đa dạng và sang.

- Tử đàn: đỏ quất khi mới chế tác, sau đó chuyển màu đỏ tím sau khoảng 1 năm và tím than sau một thời gian lâu. Chú ý là tử đàn ngâm nước/rượu cho sắc hồng tím như đã trình bày trong hai bài viết "Tử đàn: Thế giới huyền bí --- Tập 1" và "Tử đàn: Thế giới huyền bí --- Tập 2".


C. Nếu tom và màu gỗ nhận không ra loại gỗ, ta tiến đến thử mùi. Dùng nhám mịn chà mạnh dưới đáy pho tượng hay phay phôi gỗ.


Mùi gỗ:


- Gỗ Hương: thơm hốc mũi, không muốn ngửi nhiều lần.

- Gỗ Cẩm: hơi chua, gỗ nặng tay hơn hương và sưa. Tỷ trọng tương đương trắc và tử đàn lá nhỏ.

- Gỗ Trắc: hơi chua, chà ra có màu đỏ cà rốt không có sắc tím. Tỷ trọng tương đương cẩm và tử đàn lá nhỏ.

- Sưa dây: thơm mát nhẹ nhưng có chút vị giống như bả mía đã vắt hết nước. Mùi yếu. Cầm nhẹ hều. Gỗ thường bị nứt, nhiều mắt/mấu, hay bị bọng tim.

- Sưa Việt Nam: thơm mát quý phái nếu sưa già, mùi mát sang trọng muốn ngửi nhiều lần. Sưa non cho mùi yếu. Cầm nặng tay hơn sưa dây. Sưa già bị ngâm nước cũng mất mùi.

- Tử đàn lá nhỏ: thơm nhẹ của hoa. Một số tài liệu diễn tả có mùi bơ. Gỗ nặng tay. Tỷ trọng tương đương trắc và cẩm.

Kết luận:


1. Gỗ hương và gỗ cẩm thường có đốm/vảy/vằn trắng trong thớ gỗ. Trong khi đó gỗ trắc không có hay rất ít có hiện tượng này.

2. Gỗ hương/cẩm không có vảy trắng có thể dùng giả sưa rất hiệu quả.

3. Gỗ tử đàn Ấn Độ lá nhỏ có tom mịn, xoắn, uốn lượn chằng chịt. Tom gỗ có chút nốt trắng.

4. Gỗ thanh trà có thể dùng giả trắc đen sau khi được PU. Thanh trà có tom mịn, rất nặng, cứng, nhưng bị nứt rất nhiều, độ bóng không bằng trắc khi chế tác.

(Nội dung được trích lọc từ bài viết của tác giả có nick KHOA (96 ) .
Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ những kiến thức quí báu và có giá trị ứng dụng thực tiễn cao)

Bản đồ

Xem nhiều nhất